Hoằng Xuyên là xã nằm ở phía bắc huyện Hoằng Hóa (thuộc tả ngạn sông Lạch Trường) cách trung tâm huyện khoảng 2km. Một vùng đất giống như một bán đảo bởi ba bên là sông bao bọc: phía đông bắc là sông Kim Trà làm ranh giới với Hoằng Đạt; phía tây bắc giáp với Thuần Lộc (thuộc Hậu Lộc); phía nam là sông Lạch Trường làm ranh giới với các xã Hoằng Đức, Hoằng Phúc; phía tây giáp với xã Hoằng Cát và Hoằng Khê. Phía đông do dòng sông Lạch Trường đổi hướng về phía đông bắc để hợp với sông Kim Trà ở ngã ba Bộ Đầu trước khi đổ ra biển.  Toàn xã có 8 thôn, với tổng diện tích tự nhiên là 3.17km2; xã có 918 hộ với 3.294 nhân khẩu; tổng số lao động là 3.225 người;

Thời sơ khai diện tích đất đai lớn hơn hiện nay nhiều, nhưng do sự đổi dòng của sông Tuần Ngu (Lạch Trường) mà hàng chục héc ta đất của Bái Xuyên trở thành bãi nổi của Hoằng Đức; sông Kim Trà đổi hướng về phía Lò Ngói và do chính quyền thời phong kiến nhượng bán cho xã Thuần Lộc mà hàng chục héc ta đất ở phía sông Sau chuyển thành đất của xã bạn.

Trước cách mạng 1945, Hoằng Xuyên chỉ có 268,2 ha đất tự nhiên trong đó 184 ha đất canh tác còn lại là đất ở, ao hồ, đường đê và hàng chục ha đất bồi ở ven sông.

Vùng đất Hoằng Xuyên ngày nay chủ yếu là do phù sa sông Mã bồi đắp hàng ngàn năm và các con sông khác tạo thành. Xưa kia Hoằng Xuyên có 3 con sông chảy qua là sông Lạch Trường, Kim Trà và Bồ Đề tạo thành 3 vệt sổ, giống như chữ “Xuyên”, nên làng Thẩy có tên là Bái Xuyên.

Theo Lịch sử Đảng bộ huyện Hoằng Hóa: “Sông Tuần ở giữa huyện, theo các tài liệu lịch sử thì xưa kia sông Mã có dòng chảy đến Tào Xuyên rồi đổ về Lạch Trường ra biển. Nhưng đến thế kỷ thứ XIV, do một biến cố bởi hàng chục bè gỗ lim bị cạn nằm chắn lòng sông ở Tào Xuyên, làm cho sông Mã bị tắc dòng phải chảy qua Hàm Rồng đổ về cửa Lạch Hới (tức Lạch Trào) để lại dòng chảy về Lạch Trường chỉ là sông nhánh, có tên gọi là sông Tuần. Đoạn đầu sông Tuần thường gọi là sông Tào, đoạn giữa gọi là sông Bút, đoạn cuối là sông Ngu”. Sông Tuần Ngu chảy qua các xã Hoằng Lý, Hoằng Cát, đến Hoằng Xuyên từ đoạn sông Cổ Ngựa rồi l­ượn về phía đông nam dọc theo xã Hoằng Đức, Hoằng Phúc, Hoằng Đạt. Đến địa đầu xã Hoằng Đạt sông đổi hướng đông bắc hợp với sông Kim Trà ở ngã ba Bộ Đầu rồi chảy qua Hoằng Hà, Hoằng Yến đổ ra cửa biển Lạch Trường. Đoạn sông chảy qua xã Hoằng Xuyên gọi là sông Thẩy. Trên sông này trước đây có hai bến đò chở khách qua sông là đò Bút và đò Thẩy. Đò Bút trước đây qua bãi Mồ Côi thì đến bến và bên kia là Bút Sơn. Đò Thẩy ở dốc đê Chợ Đò cũ đổ khách ở bãi bồi Phúc Thọ, men theo các con đường nhỏ để lên đê Hoằng Đức.

Sông Kim Trà là sự hợp nhất giữa ba con sông cũ rồi chảy từ Hoằng Kim qua xã Hoằng Trinh, Hoằng Lương đến ngã ba Ghềnh thì một nhánh chảy về hướng bắc qua huyện Hậu Lộc rồi đổ ra sông Lèn. Một nhánh quặt qua xã Hoằng Sơn đến Hoằng Khê xuống xã Hoằng Xuyên rồi nhập với sông Lạch Trường ở Bộ Đầu trước khi đổ ra biển. Đoạn sông từ Cầu Sài đến Bộ Đầu gọi là sông Sau, trên sông này có cầu Sài nối liền giữa Hoằng Xuyên với Hậu Lộc.

Lần theo vết cũ thì trên đất Hoằng Xuyên còn có một con sông nhỏ chảy qua thôn Yên Xuân về xóm Bãi xuống Ùng Gon rồi chảy ra sông Lạch Trường. Nhưng do quá trình biến đổi mà con sông này đã bị vùi lấp chỉ còn dấu tích của dọc cừ ở phía bãi bồi.

Trước cách mạng 1945 đê chống lũ lụt chỉ chạy từ cầu Tào xuống Hoằng Cát đến giữa Hoằng Xuyên nhưng là con đê cụt chỉ chạy đến bến Rắt (Nam Long) ngày nay.

Đê sông Sau thấp và nhỏ, Đê trước thôn Mỹ Tiến chỉ là hệ thống đê chống nước mặn. Vì vậy hàng năm hễ có lũ lụt thì ở vùng thấp nh­ư Mỹ Tiến, Trung Tuyết nước ngập trắng băng.

Khí hậu xã Hoằng Xuyên mang đặc trưng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nắng ẩm, mưa nhiều. Thời tiết được chia thành bốn mùa rõ rệt xuân, hạ, thu, đông nên phù hợp với nhiều loại cây trồng vùng nhiệt đới và ôn đới với các cây trồng vụ Chiêm Xuân và vụ Đông. Thông thường có 2 hướng gió chính là gió mùa đông nam và gió mùa đông bắc. Ngoài ra thỉnh thoảng có xuất hiện 8-10 đợt gió tây nam khô nóng. Những tháng có nhiệt độ cao là từ tháng 5 đến tháng 7, bình quân từ 27-370 C. Những tháng có nhiệt độ thấp nhất là từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau, bình quân từ 16-220 C.

Về thủy văn, xã được bao bọc bởi những con sông lớn của huyện, có lượng thủy văn dồi dào, vừa thuận lợi cho giao thông đường thủy, là điều kiện để nhân dân trong xã xây dựng hệ thống đê sông và tưới tiêu ngay từ thời khai thiên lập ấp. Lượng nước dồi dào cùng với chế độ thủy triều vùng cửa sông và hàng năm đều xuất hiện các đợt lũ nước từ thượng nguồn đổ về, những yếu tố trên đã tạo ra lượng phù sa màu mỡ bối đắp hàng năm.

Hệ thống giao thông của Hoằng Xuyên cũng rất thuận tiện. Về đường bộ có Quốc lộ 10 với cầu phao Bút Sơn, ngày nay là cây cầu bê tông Bút Sơn hiện đại nối liền các xã phía Bắc với trung tâm huyện Hoằng Hóa, huyết mạch giao thông của các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ với Bắc Trung Bộ; các tuyến đường liên xã đi qua đường liên thôn tạo thành mạng lưới giao thông tương đối thuận lợi; giao thông đường thủy với các con sông chạy qua, trong đó sông Lạch Trường (hay còn có tên là sông Tuần Ngu). Dân gian đã có câu:

“Sông Tuần một dải dài ghê

Thuyền đi tấp nập, thuyền về sao giăng”

Với địa hình khá bằng phẳng do phù sa các dòng sông lớn của huyện chảy qua tích tụ hàng ngàn năm. Đất đai của Hoằng Xuyên được hình thành có nguồn gốc phù sa được bồi đắp của sông Lạch Trường (là một nhánh của sông Mã), sông Kim Trà, sông Bồ Đề. Do đó có thành phần dinh dưỡng khá, thành phần cơ giới từ cát pha thịt đến thịt trung bình rất thuận lợi cho việc thâm canh trồng cây lúa nước, các loại cây rau màu và nuôi trồng thủy sản, xây dựng các hệ thống kênh mương, giao thông và các công trình khác cũng như việc bố trí khu dân cư. Cùng với điều kiện thời tiết trên địa bàn xã nhìn chung khá thuận lợi để phát triển cây trồng và vật nuôi. Đặc biệt, tổng nhiệt độ trong năm lớn là cơ sở để Hoằng Thịnh phát triển nhiều loại cây và trồng được nhiều vụ trong năm. Ngoài ra, Hoằng Xuyên còn có những thuận lợi cơ bản trong giao lưu, trao đổi hàng hóa, phát triển kinh tế và văn hóa - xã hội (nói về sông Lạch Trường hay còn gọi là sông Tuần). Đặc biệt, trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, nhân dân xã Hoằng Xuyên đã và đang phát huy tối đa những tiềm năng sẵn có, cùng nhân dân cả nước xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Tuy nhiên, điều kiện tự nhiên đó cũng gây không ít khó khăn, tạo ra những thách thức lớn đối với quá trình sinh sống và phát triển của làng xã. Chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các con sông, phần nước ngọt thường xen lẫn nước mặn tạo ra nước lợ do thủy triều lên xuống mà thành. Gặp hạn hán lâu ngày, nguồn nước tưới cho cây trồng cũng trở nên khan hiếm, lại thường xuyên chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão lụt diễn ra rất nặng nề. Con người nơi đây trong quá trình sinh sống phải đương đầu với điều kiện tự nhiên, chống lũ lụt hạn hán, các hiện tượng cực đoan của thời tiết. Đặc biệt, vào mùa lũ lụt, lúc triều cường, nước biển dâng cao, lại gặp nước thượng nguồn sông Mã đổ về thì nước lũ không thoát kịp. Nạn vỡ đê sông sông Lạch Trường trở thành một hiểm họa. Sử cũ còn ghi vào những thế kỷ trước, có những trận bão lụt nước dâng ở ven biển Hoằng Hóa, Hậu Lộc đã cuốn trôi hàng ngàn nóc nhà và làm chết hàng trăm người, gây cảnh đồng trắng nước trong hàng tháng trời, “mất mùa tới hai ba năm liền, khiến dân chúng phải tha phương cầu thực khắp nơi”. Ngay từ khi mở làng, lập ấp, nhân dân Hoằng Xuyên đã phải ra sức làm công tác thủy lợi, huy động lớn nguồn nhân lực, vật lực. Trước cách mạng 1945 đê chống lũ lụt chỉ chạy từ cầu Tào xuống Hoằng Cát đến giữa Hoằng Xuyên nhưng là con đê cụt chỉ chạy đến bến Rắt (Nam Long) ngày nay; đê sông Sau thấp và nhỏ, đê trước thôn Mỹ Tiến chỉ là hệ thống đê chống nước mặn. Vì vậy hàng năm hễ có lũ lụt thì ở vùng thấp nh­ư Mỹ Tiến, Trung Tuyết nước ngập trắng băng.

 Vị trí địa lí và điều kiện tự nhiên trên đây đã mang đến những đặc điểm riêng của nhân dân xã Hoằng Xuyên. Đây cũng chính là những yếu tố rất quan trọng góp phần hình thành nên xã Hoằng Xuyên ngày nay.

Thực hiện Nghị quyết số 786/NQ-UB TVQH14 ngày 16/10/2019 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Thanh Hoá; sáp nhập nguyên trạng xã Hoằng Khê, vào xã Hoằng Xuyên từ ngày 01/12/2019.

Ban đồ.jpg

                                                 Bản đồ xã Hoằng Xuyên

 

Kết quả giải quyết TTHC
Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
317458