PHÒNG BỆNH DẠI

Đăng lúc: 00:00:00 09/03/2022 (GMT+7)

                                                        

Bài Tuyên truyền phòng chống bệnh Dại

I.    Bệnh Dại:

      Là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, nguy hiểm cho nhiều loài gia súc và đặc biệt nguy hiểm đối với tính mạng con người.

 Bệnh Dại do một loài virus hướng thần kinh gây ra, không có thuốc đặc trị, con vật bị bệnh thường điên cuồng hay bại liệt rồi chết, tỷ lệ chết là 100%.

 Ở Việt Nam, nguồn bệnh dại chủ yếu là từ chó, mèo. Hơn nữa chó mèo là những động vật rất gần gũi, thân thiết với con người (đặc biệt là những người chủ vật nuôi),  người bị chó, mèo mắc bệnh dại cắn, cào, cấu hay liếm vào niêm mạc, chân tay bị xây sát hoặc bị nhiễm virus dại (do tiếp xúc với nước bọt của chó dại tiết ra ở ngoài thiên nhiên) đều có thể bị mắc bệnh dại. Người đã bị chó dại cắn phải thực hiện tiêm kháng huyết thanh và tiêm vác xin phòng Dại ngay. Nếu người bị chó dại cắn không được tiêm phòng kịp thời khi đã phát dại thì không có cách nào chữa được và sẽ bị chết.

Nguyên nhân chính để xảy ra tình trang trên là do: tỷ lệ tiêm phòng Dại cho đàn chó mèo thấp và không triệt để, công tác giám sát dịch bệnh Dại trên đàn chó mèo chưa chặt chẽ, công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con biện pháp phòng và cách xử lý khi bị chó, mèo dại cắn chưa được chú trọng, người dân bị chó Dại cắn không báo cho chính quyền, không thực hiện tiêm phòng bệnh dại ngay…

Để chủ động phòng chống dịch bệnh dại cho đàn chó nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho con người thì biện pháp duy nhất hiện nay là thực hiện tiêm phòng triệt để vacxin Dại cho đàn chó, mèo hiện đang nuôi ở các gia đình trên địa bàn huyện.

Ngoài việc vận động các hộ chăn nuôi tự giác chấp hành tiêm phòng cho đàn chó thì trong Luật Thú y cũng đã quy định như sau:

Tại khoản 4 điều 15 của Luật thú y được Quốc hội ban hành ngày 19/6/2015 đã quy định: “Động vật phải được tiêm phòng bắt buộc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm theo yêu cầu của cơ quan quản lý chuyên ngành về thú y.”

Mặt khác theo điểm 2 Điều 7 tiểu mục 2 nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017: (Có hiệu lực từ ngày 15/9/2017) Đã quy định: “.Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối một trong các hành vi sau:

a) Không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng;

b. Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.”

Tiêm phòng Dại cho đàn chó mèo phải đạt 100% tổng đàn, nếu trong đợt tiêm chính chó chưa đến tuổi tiêm hoặc ốm thì phải được tiêm bổ sung khi đến tuổi tiêm hoặc sau khi khỏe lại.

    Hiện nay, trên địa bàn xã đang triển khai công tác tiêm phòng đợt 2 năm 2017. Do đó, đề nghị các thôn lập danh sách những hộ gia đình không chấp hành tiêm phòng cho đàn chó, mèo. Sau khi tổng kết đợt tiêm phòng sẽ giao ban công an tiến hành kiểm tra đàn chó, mèo không tiêm và có biện pháp cụ thể.

II. Một số khuyến cáo trong phòng chống bệnh Dại

1 Khi phát hiện chó, mèo bị bệnh dại hoặc nghi dại, cần thực hiện

• Không tiếp xúc với con vật, không di chuyển hoặc bán để hạn chế sự lây nhiễm vi rút dại sang người và lây lan dịch

• Phải báo cáo ngay cho chính quyền, y tế, thú y thôn bản và xã/phường, để có biện xử lý ngay con vật bị dại và những con vật đang sống tại đó.

• Phải chôn sâu xác những con vật bị dại cùng với các chất sát khuẩn như xút, hóa chất, vôi cục chưa tôi hoặc vôi bột... 

1.     Người bị chó, mèo dại, nghi dại cắn hoặc tiếp xúc với chúng cần thực hiện

 Khi bị chó, mèo dại, nghi dại cắn hoặc tiếp xúc với chúng cần phải coi đó là trường hợp cấp cứu. Trước hết phải xử lý tại chỗ vết thương, sau đó phải đến các điểm tiêm phòng dại để được các thầy thuốc chuyên khoa khám và có biện pháp xử lý cụ thể cho từng trường hợp.

2.     Xử lý tại chỗ vết thương như thế nào là tốt nhất?

Khi bị súc vật dại, nghi dại cắn hoặc tiếp xúc với chúng phải rửa ngay thật kỹ vết thương bằng nước xà phòng đặc, nước muối hoà đặc, dội nước sạch nhiều lần, bôi chất sát khuẩn như cồn, cồn iốt đậm đặc... Mục đích xử lý tại chỗ vết thương là để sát khuẩn, làm giảm đến mức tối thiểu lượng virus dại tại nơi xâm nhập. Chú ý khi rửa vết thương không được làm dập nát vết thương và chỉ khâu vết thương sau 3-5 ngày để hạn chế virus tản phát.

3.. Những trường hợp người bị súc vật cắn phải đi tiêm phòng dại ngay, phải tiêm vaccin dại và huyết thanh kháng dại

• Con vật lên cơn dại hoặc nghi dại.

• Vết cắn ở đầu, mặt, cổ, đầu chi, bộ phận sinh dục... dù vết cắn nhẹ.

• Có nhiều vết cắn nguy hiểm, vết cắn sâu.

• Không theo dõi được con vật.

• Tại nơi người bị súc vật cắn đang có hoặc trước đó đã từng có súc vật bị dại.

4.. Những trường hợp nào chỉ cần theo dõi chó, mèo

Trường hợp vết cắn rất nhẹ, vết cắn xa thần kinh trung ương (ví dụ ở cẳng chân). Tại thời điểm con vật cắn người, con vật đó vẫn sống bình thường, hoàn toàn không có dấu hiệu nghi ngờ dại. Tại nơi bị con vật cắn, không phát hiện có bệnh dại ở súc vật.

Cần theo dõi con vật 15 ngày. Trong thời gian theo dõi, nếu thấy con vật có biểu hiện không bình thường như: ốm, bỏ ăn, chết, mất tích, bán hoặc mổ thịt... phải đến điểm tiêm phòng dại để được điều trị dự phòng ngay. Nếu sau 15 ngày kể từ khi người bị con vật cắn, tiếp xúc mà con vật đó vẫn sống bình thường thì không cần điều trị dự phòng.

 5. Để đạt hiệu quả cao, khi tiêm phòng dại cần chú ý những vấn đề gì?

• Phải tiêm sớm ngay sau khi bị cắn hoặc tiếp xúc với con vật bị dại, nghi dại.

• Phải tiêm đủ số mũi, đúng khoảng cách giữa các mũi tiêm theo chỉ định của bác sĩ đối với từng loại vaccin dại và phác đồ tiêm.

• Phảt tiêm đúng liều lượng, đúng kỹ thuật và vaccin phải được bảo quản ở nhiệt độ 4 0C – 8 0C.

• Trong thời gian tiêm không nên làm việc quá sức, không uống rượu và dùng các chất kích thích.

• Không dùng các thuốc có dạng corticoid, ACTH, các thuốc làm giảm miễn dịch... trong và sau khi tiêm phòng dại 6 tháng.

                                                                                        PHƯƠNG THẢO – ĐÀI TT XÃ

 

  
0 Bình luận
Ý kiến bạn đọc
Kết quả giải quyết TTHC
Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
317458